Please click here for this article in English
Bao thập niên qua, tôi luôn âm thầm theo dõi, và dẫn con mình tham gia những sinh hoạt trong mùa quốc hận do các Cộng đồng người Việt Nam Cali tổ chức. Năm nay, có một số thay đổi về phương cách tổ chức, và một số vị “chức sắc” đã không còn e dè, ngại ngùng khi phát biểu rõ ràng rằng chúng ta đã trả một giá rất đắc cho tự do khi bị đồng minh phản bội. Nhưng theo thiển ý thì buổi tưởng niệm tháng tư đen của các sinh viên UCLA là điểm son, nổi bật nhất vì sự tổ chức rất chu đáo, trang trọng, với nhiều tha thiết chân thành, khi các em muốn tìm hiểu về quá khứ, của cha mẹ mình, những người từng ở Việt Nam và lý do vì sao phải rời bỏ quê cha đất tổ để thành người tha huơng, với bao nhiêu gian truân, mất mát.
Tôi có được niềm hân hạnh cùng với con trai, Việt, tham dự buổi tưởng niệm tháng tư đen,tổ chức bởi các sinh viện đại học UCLA. Việt có được cơ hội nói lên cảm nhận cuả cháu, thế hệ thứ ba và tôi cũng được mời chia xẻ, trong tư cách một người tỵ nạn CS, những kỷ niệm, kinh nghiệm về những ngày trước và sau 30 tháng tư. BTC của hội sinh viên UCLA đã rất thành công trong việc nói lên sự trân trọng biết ơn các đấng sinh thành cũng như những người đã bỏ mình cho chánh nghĩa tự do. Và tôi thực sự đã khấp khởi vui mừng sau khi rời buổi hội thảo ngày hôm ấy, lòng thầm cám ơn các em đã khơi dậy thêm niềm hy vọng trong về một cộng đồng người Việt lành mạnh, thăng hoa với sự dấn thân tích cực cuả các em, thế hệ trẻ Việt nam đã được sinh trưởng trên Hoa Kỳ.
Điều gì đã khiến tôi vui mừng như vậy?
Trước hết, trong phong thái, tư cách đĩnh đạc đàng hoàng, các em đã phát biểu thật chân thành , sâu sắc, không sáo ngữ, không lập lại theo như những gì chúng ta thuờng nghe trong bao thập niên nay. Tôi đã từng được nghiêm chỉnh chào lá cờ vàng, hát quốc ca bao nhiêu lần, nhưng cách các em hát bài quốc ca của VNCH hôm ấy đã khiến tôi rươm rướm nước mắt vì cảm động : Các em đã hòa âm bài quốc ca một cách vô cùng điêu luyện, và hát thật nhịp nhàng, đúng giọng, đúng nốt. Tất cả những em trong ban chào cờ đã vô cùng trang nhiêm cất lên từng chữ, từng lời. Hoàn toàn không cần đến nhạc đệm, các em đã, với tất cả sự trân trọng, nhịp nhàng hiếm có, hát bài quốc ca hay hơn bất cứ bài quốc ca nào tôi đã từng được nghe hát bới các hội đoàn, ca sĩ, v.v…đến nay.
Thêm vào đó, các em đã thể hiện nhũng ưu tư của chính mình, lớn lên với những câu chuyện về một miền Nam Việt Nam tự do, đẹp đẽ, hiền hòa bị bức tử, về một cuộc đổi đời đầy nước mắt được truyền lại từ ông bà, cha mẹ…
Trong tinh thần lắng nghe những câu chuyện để tìm hiểu thêm về gốc gác, lịch sử của chính mình,với sự hiện diện, chăm chú lắng nghe của những người bạn Hoa Kỳ trong phòng họp, các em đã, hoàn toàn bằng tiếng Anh, hiên ngang, thẳng thắn nói lên sự bất công với đồng minh, và sự tàn nhẫn về chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ. Trong khi những thuyết trình viên chia xẻ kinh nghiệm bản thân, các em im lặng hoàn toàn, lắng nghe với hết sự quan tâm, trân trọng của một cử tọa trưởng thành, sâu sắc.
Dăm bài hát các em tự viết, và chọn lựa để hát trong ngày hôm ấy rất ít, nhưng phải nói là đủ đầy ý nghĩa, rất sâu sắc, nhân bản, thể hiện những thao thức, tâm tình của các em, với sự trân trọng, điêu luyện hiếm có.
Các em nói rõ: dù không thể hiểu thấu được tất cả những đau đớn nhục nhằn chúng ta đã trả qua, các em vẫn hãnh diện về nguồn gốc Việt Nam của mình, và muốn duy trì, xây dựng nhân dạng Việt Nam, cũng như bảo tồn văn hóa đậm tình người của một dân tộc bất khuất, kiêu hùng, dù ở nơi đâu cũng vậy.
Có một em học sinh đã sáng tác và đọc một bài thơ nói lên những thao thức của em. Xin được tạm dịch như sau:
“Này Công Dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi.
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”
Những lời hát vang vọng trong thân tâm tôi như ngọn lửa hoang
Sự bùng cháy mãnh liệt, khó hiểu…lạ lùng với một kẻ không tên tuổi, một đứa trẻ Mỹ gốc Việt.
Và làm người Việt nghĩa là gì? Làm người Nam Việt Nam có nghĩa chi?
Những lời hát ngân theo từng nhịp đập, hơi thở của mẹ tôi, người đã từng chứng kiến một Saigon đẹp đẽ, bị tước bỏ đến tận cùng tất cả những rễ, mầm, trước khi có cơ hội biết đến ánh sáng của thế giới.
Tắc ngúm, chỉ trong khoảnh khắc, như những tro tàn bay tít vào cõi vô cùng, thăm thẳm….
Vậy thì làm người miền Nam Việt Nam đồng nghĩa với điều gì?
Những lời hát, … giữ cho sự tồn tại của gốc gác, tưởng chừng đã xa, đã chết.
Những lời hát….mang lại ánh sáng hy vọng trong bóng đêm, tạo nên những bóng hình của một quốc gia có được một ngày mai theo những khao khát…
Những lời hát…duy trì sự tồn tại vững mạnh của cộng đồng,
Những lời hát…rơi rớt theo ông, bà của tôi khi chiến tranh đã đốt cháy, khiến cho cờ ba sọc đỏ tả tơi trên đất.
Từng lá cờ vàng bị kéo xuống trên những chiếc thuyền băng xuyên đại dương, qua những vùng nước mặn với hy vọng cho “một đời mới tốt hơn trên Hoa Kỳ” .
Không. Họ không hề muốn bỏ đi.
Không. Họ không hề đòi hỏi điều này.
Không. Mỗi ngày là một cơn mơ.
Không. Đó là thực trạng cuả họ.
Không. Đó là một phần của đời sống của TÔI.
Tôi là một phần tử của một đất nước anh hùng- một đất nước đã rớt vào tận cùng vũng lầy khi lá cờ của họ bị giựt xuống, bị dày vò trên đất, không còn được xem là cái gì cả. Những lời hát quấn, quyện, in vào từng tế bào của người dân Nam Việt Nam ở khắp nơi. Hỡi những người đã mất nhà, mất nước…xin nhớ những lời hát này. Xin nhớ lá cờ đã từng bay cao, trên đầu chúng ta.
-Jay Nguyen, UCLA*
Về hình thức, đa số các em mặc màu đen hoặc trắng ngày hôm đó. Mỗi bàn, phủ khăn đen, đều có một bình hoa tươi, chung quanh bình hoa có nhiều cánh hoa hồng vàng, xen lẫn với dăm cánh hoa hồng đỏ, theo màu cờ của VNCH. Ngay cả đến những món quà tặng cho những vị khách được mời lên phát biểu (trong đó có tôi), cũng được trân trọng cho vào những túi quà màu đen, cùng chiêc áo thun đen và thiệp cám ơn viết bằng tay thật trang trọng. Các em cũng trưng bày những hình ảnh trắng đen nói về chiến tranh VN, sự chống giặc của QLVNCH,cuộc di tản năm 1975 và những thuyền nhân, và những hình ảnh kinh hoàng, nói lên sự trả thù ác độc, nham hiểm của CS đối với các cựu sĩ quan trong quân lực VNCH trong các lao tù “cải tạo”.
Buổi lễ được kết thúc với phần thắp nến, tưởng niệm tháng tư đen. Các em mời mọi người cùng đứng thành vòng tròn và chia xẻ thêm những kinh nghiệm bản thân trong kiếp tha huơng. Sau đó, đèn trong phòng được tắt hết, chỉ còn những ngọn nến le lói, chiếu lên những gương mặt trầm tĩnh, nghiêm trang, cùng nguyện cầu cho những người đã hy sinh cho tự do, và một Việt Nam được tươi sáng, với tự do, dân chủ, công bằng.
Xin rất cám ơn các em đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm tháng tư đen, ngày quốc hận, với sự trân trọng chân thành hiếm quý, gây dựng lại niềm tin, phấn khởi cho những người đã từng mang thẻ tỵ nạn cộng sản, phải tức tưởi bỏ nước ra đi, và đến nay vẫn còn thao thức, trở trăn khi nhớ về quê cũ….
Minh Phượng
* Đây là lời giới thiệu của em Jay Nguyễn:
Tôi tên Jay Khanh Nguyen. Tôi được sinh ra ở San Diego, CA nhưng lớn lên ở Austin, TX. Tôi là người Mỹ gốc Việt, thế hệ thứ hai, và hiện đang theo học tại University of California, Los Angeles. Tôi nhớ là không bao giờ thấy mẹ tôi ở nhà, mẹ làm bao nhiêu việc, không ngưng nghỉ, để nuôi anh em tôi. Mẹ tôi, và cả bà ngoại, người chăm sóc cho anh em tôi, không bao giờ nói cho tôi biết về quê xưa, nước Việt Nam của họ. Tôi không hề biết về lịch sử của dân tôi. Tôi lớn lên như một đứa trẻ Mỹ. Ở trung học, tôi gia nhập vào THIẾU NHI THÁNH THỂ (TNTT) và được học về nguồn gốc của mình, và bắt đầu thích thú hơn về môn lịch sử. Tôi nhớ khi xem phim: “Những ngày cuối trên Việt Nam”, cảnh cuối cùng của cuốn phim đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đó là cảnh một chiếc tàu chở những người tỵ nạn phải hạ cờ xuống để có thể vào Phi.
Động lực khiến tôi thành công trong việc học đến từ mẹ tôi, người đã không có cái may mắn di tản. Lúc ấy mẹ tôi là một cô gái nhỏ, và nghèo.Đây là câu chuyện nhiều người đã đến được Hoa Kỳ, giờ không hiểu được vì họ đã quên rồi những người không thoát được.
Mẹ tôi đã đến với bà tôi, sau nhiều năm sống dưới sự cai trị của cộng sản.Là con của mẹ, những cố gắng, vất vả của Mẹ tôi khi còn trong nước, và sau khi đến Hoa Kỳ, đã là động lực cho tôi phải viết và cho mẹ tôi có thể sống một cuộc sống an nhàn hơn.
Pingback: Tưởng niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư năm 2016 | VTMP
Pingback: Thank You UCLA(VSA)-Black April Event | VTMP
Thanks you all for this event. See you next….