NGÀY TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NĂM 2014

LÊ VĂN DUYỆT FOUNDATION VỚI SỰ PHỐI HỢP CỦA CÁC NHÀ GIÁO DỤC CÓ NGUỒN GỐC VNCH TỔ CHỨC NGÀY TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NĂM 2014 VÀO NGÀY 15-6 TẠI LITTLE SAIGON, MIỀN NAM CALIFORNIA

 
Tường trình : Hoàng Thụy Văn
Ảnh : Vương Huê
 
 
Inline image 2 

 
Trong bài viết về Tôn Sư Trọng Đạo đăng trong tập Lưu Niệm năm 2014 của ngày Tôn Sư Trọng Đạo 15-6-2014, ông Châu Văn Đễ, cựu Đốc Sự Hành Chánh VNCH với tư cách Trưởng BTC đã viết:
 
[Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô hay là Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm nay cũng là lần thứ 10 chúng tôi hân hạnh trình thưa cùng quý vị. Đây là dịp quý Thầy Cô có thể gặp lại nhau trên bước đường lưu vong hải ngoại và cũng để các môn sinh có cơ hội bày tỏ lòng tôn kính đến các bậc mô phạm đã dạy dỗ mình theo truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo”. Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, nhân vật tiêu biểu của thế hệ các nhà văn hoá – giáo dục nhân bản Việt Nam dưới thể chế dân chủ của miền Nam tự do trước đây muốn nhân ngày này để khơi dậy tinh thần “uống nước nhớ nguồn ăn trái nhớ kẻ trồng cây” và hết sức kỳ vọng ở thế hệ hậu tấn vì những giá trị nhân bản của dân tộc sẽ lấy đó làm gương.]
 

Inline image 3
Lượng người tham dự k lục (theo BTC cho biết khoảng 430 người)
 
 **
 
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm trong một lần phát biểu
 
[Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo hơn bao giờ hết cần phải được phục hồi. Truyền thống tốt đẹp đã có cần được chấn hưng để những thế hệ sau nầy còn có cơ hội xây dựng lại tinh thần Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng rất cần cho việc hiện đại hóa và phát triển quốc gia trong những thập niên tới.]
 
 
Nói về ý nghĩa của  truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của người Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm cho biết:
 
[Dân Việt Nam có tính hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình. Dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư” người xưa thường nói. Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi “không thầy đố mầy làm nên”. Nhưng bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy mà còn xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bĩ: sự thương mến kính trọng thầy. Bởi người làm thầy phải là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ, trỡ nên người tốt ở trên đời. Thầy có sứ mạng cao cả của thầy, phải ý thức được sứ mạng cao cả đó, để làm hết phận sự của thầy, làm cho thế hệ trẻ nên người. Có vậy học trò và người đời mới thương mến kính trọng thầy. Tinh thần tôn sư nói lên lòng tôn kính người thầy. Tinh thần đó luôn luôn có trong xã hội Việt Nam. Nó bao gồm sự kính trọng, lòng biết ơn và lòng thương mến của người học trò đối với thầy. Tinh thần đó bây giờ vẫn tồn tại ở nhiều người, nhưng không sâu đậm bằng ở các người xưa. Càng đi ngược về xưa chừng nào thì tinh thần đó càng sâu xa đậm đà chừng nấy. Trọng đạo là đánh giá thật cao đạo lý của thánh hiền xem như mẫu mực để người đời noi theo. Đạo lý đây là luân lý đạo đức và thánh hiền không ai khác hơn là Không Tử mà người Á Đông thường tôn sùng như bậc thánh nhân. Khổng Tử cũng là người đầu tiên làm nghề dạy học. Ngài cũng là vị thầy cao cả nhất trong xã hội Á Đông. Người đi dạy cũng như người đi học từ xưa luôn luôn xem Ngài là bậc “vạn thế sư biểu” tức là ông thầy tiêu biểu của muôn đời.]
 
 
Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo là một trong những giá trị Nhân Bản mà nền Giáo Dục Quốc Gia VNCH đã mang đến cho mọi người dân ở một nửa đất nước phía Nam của Tổ Quốc Việt Nam yêu quý từ những ngày đầu của nền Cộng Hoà cho đến sau ngày mất nước được tiếp tục ở hải ngoại vì chỉ có trong một xã hội Tự Do Dân Chủ, tình người phát triển, vì Quốc Gia Dân Tộc mà phụng sự thì tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo mới có môi trường để giữ gìn và phát huy.
 
Inline image 4
Học giới và nhà hoạt động cộng đồng.
 
***
 
Ông Nguyễn Trung Quân, cựu giáo sư, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, nguyên Hội Viên Hội Đồng Giáo Dục VNCH, đưa ra bài viết về truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo nhân Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014. Tác giả là một nhà giáo kỳ cựu của nền Giáo Dục Quốc Gia VNCH và bài viết cũng tiêu biểu cho ý nghĩa văn học sử của truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của lễ Vinh Danh hôm nay.
 
[Đôi Nét Về Truyền Thống Tôn Sư Trọng Đạo
 
 
Từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã được ca ngợi là có tinh thần trọng học và tự hào được sinh hoạt trong một quốc gia văn hiến.
Truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo trải rộng từ người có học cho đến dân gian đã giúp cho học phong và sĩ khí của người dân Việt Nam thêm bền vững.
Vào thời Lý Trần, tuy Đạo Phật được xem là quốc giáo, năm 1070 Vua Lý Nhân Tôn đã cho lập Văn Miếu ở đế đô Thăng Long thờ Đức Khổng Tử và các bậc tiền hiền. Hành động đó chứng tỏ các triều đại quân chủ vẫn có lòng bao dung, muốn hòa hợp Tam Giáo Phật Lão Nho trong đời sống dân chúng. Quốc Tử Giám cũng được mở ra trong Văn Miếu để đào tạo nhân tài cho đất nước.
Gần 300 năm sau, đời Vua Trần Dụ Tôn, danh nho Chu Văn An sau khi mất được thờ trong Văn Miếu đến nay vẫn còn ở Hà Nội.
Xuyên suốt các thời Nho học thịnh đạt, vị trí đạo đức trong xã hội dành cho các vị thầy dạy học rất cao: Quân Sư Phụ là biểu hiện của bậc thang giá trị luân lý đạo đức đó. Uy tín tinh thần của người thầy theo thang giá trị đó chỉ đứng sau nhà Vua, trên cả người cha của học trò mình, mặc dù không có chức vụ cao và đời sống vật chất có khi rất khiêm tốn.
Đến thời cận đại, dù bị người Pháp xâm lấn và đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo rất nghiêm cẩn. Học giới vẫn lưu truyền việc các học trò của Gia Định Xử Sĩ Võ Trường Toản trong đó Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã cùng nhau góp sức di chuyển hài cốt của Cụ Võ về Bến Tre vì không muốn mộ phần của Thầy nằm trong đất bị ngoại bang chiếm đóng.
Giống như việc Cụ Chu Văn An được thờ trong Văn Miếu, phong tục thờ Thầy trong các học đường là một hình thức tôn sư trọng đạo cao tột mà cũng là một nét văn hóa truyền thống đặc thù của giáo dục Miền Nam Việt Nam. Những người học trò Trung Học cũ của vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn nhớ Nhà Tiền Vãng thờ Thầy quá cố ở trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, bàn thờ Sư Đạo Tôn tại trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và Lương Sư Miếu thờ Thầy trong khuôn viên Ty Tiểu Học Cần Thơ cũ.
Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa được đặt nặng vào ba nguyên tắc căn bản Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng tạo thế chân vạc vững chắc cho việc đào tạo những người công dân lương hảo cho quốc gia, trong đó tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được bảo tồn. Nhờ vậy nền tảng đạo đức dân tộc luân lý cá nhân xã hội đều được bền vững.
Tiếc thay nền giáo dục tốt đẹp đó đã bị đứt đoạn cùng với vận nước đổi thay.
Hằng triệu người Việt Nam bắt buộc phải sống lưu vong nơi hải ngoại nhưng lúc nào cũng muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam.
Những cá nhân và đoàn thể luôn ưu tư về văn hoá giáo dục như Hội Lê Văn Duyệt Foundation đã dẫn đầu cho các nỗ lực đó. Được thành lập từ hơn 10 năm qua, việc tổ chức Ngày Tôn Sư Trọng Đạo là một trong những công tác quan trọng của Hội dưới sự chỉ đạo của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hoà.
Trong ngày Lễ Tôn Sư Trọng Đạo hôm nay, rất nhiều quý vị cựu giáo chức Việt Nam được vinh danh và nhớ ơn là do những cựu học sinh của các vị đó đề nghị đến Ban Tổ Chức thỉnh mời.
Ước mong truyền thống cao đẹp nầy luôn luôn được bảo tồn và phát huy, chẳng những cho người Việt Nam ở Hải Ngoại mà một ngày nào đó còn được khơi dậy lại ở quê nhà Việt Nam.
Cũng kính mong tất cả Liệt Quý Vị tham dự ngày Lễ Tôn Sư Trọng Đạo hôm nay cảm nhận được niềm vui của Tình Thầy Trò Nghĩa Sư Sinh ngày cũ tưởng như đã mất, nhưng thật sự vẫn còn âm ỉ sưởi ấm tâm hồn của những người tuy sống xa quê hương nhưng không quên cội nguồn, không quên truyền thống dân tộc Việt Nam.] Gs. Nguyễn Trung Quân
Inline image 5
Lực lượng chính của lễ chào cờ và văn nghệ.
 
****
 
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước trong một đoạn văn phân tích ở phần cuối của cuốn sách Tiếng Việt Đa Dạng có nhận xét như sau, xin trích đoạn:
 
[Dĩ vãng, hiện tại, và tương lai
 
Dĩ vãng
Triết lý giáo dục hay đường hướng giáo dục  “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” đã ảnh hưởng đến hơn 25 triệu dân ở nam vĩ tuyến 17 trong khoảng thời gian 1954-1974.  Nhóm dân nầy giờ đây đã ở vào lứa tuổi 35-70  hoặc già hơn.  Những cải tổ giáo dục liên quan đến khai phóng đã có một thời sôi nổi.  Từ 1971-1972 đã có những toán học sinh tốt nghiệp từ hai trung học tổng hợp đầu tiên trong nhiều ngành mới trong kỹ thuật, canh nông, kinh tế gia đình v.v… Cho tới năm 1974 chưa có khóa sinh nào tốt nghiệp từ các đại học Cộng đồng, hay Bách khoa. Những cải tổ về giáo dục theo đường hướng “khai phóng” chưa có một kết quả rõ rệt, đã phải chấm dứt sau tháng tư, năm 1975. Một thập niên sau năm 1975, ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, không được ai ở VN nói tới nữa, hay chỉ nói trong thầm lặng. 
 
Hiện tại
Đại đa số của số 25 triệu dân nầy (VNCH) còn ở lại trong nước.  Họ đã, dù muốn hay không, phải nhận lãnh thêm những (hay chỉ một) đường hướng giáo dục mới, thật xa lạ. Còn một số nhỏ, độ hơn một triệu (mà hiện nay nếu kể cả những người đoàn tụ, số nầy lên khoảng hai triệu người) đã rải ra rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói đây chính là những người, trong cái rủi của sự bỏ nước ra đi, đã và đang thực sự hưởng được cái may của những gì liên hệ đến ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nhất là số người cư ngụ tại các nước có một nền dân chủ trưởng thành như : Pháp, Anh, Đức, Hòa Lan v.v… thuộc Âu Châu;  Gia Nã Đại, HK v.v… thuộc Mỹ Châu; Tân Tây Lan, Úc, thuộc Úc Châu và Nam Hàn, Nhật, thuộc Á Châu.
 
Tương lai
Hy vọng rằng một ngày nào đó, toàn thể dân Việt được sống trong đường hướng giáo dục đó. Ước vọng nhỏ bé hơn,  là trong mỗi gia đình của chúng ta, những người Việt hải ngoại, dù ở quốc gia nào, cũng  dùng ba đường hướng “nhân bản, dân tộc và khai phóng” theo nghĩa rộng hơn những gì của dĩ vãng, để làm triết lý giáo dục riêng cho từng gia đình, thích ứng với hoàn cảnh của quốc gia mới mà gia đình đã nhận làm tổ quốc mới. Và dù là thuộc về tổ quốc mới nào đi nữa thì nguồn gốc của chúng ta vẫn là dân tộc VN, một sự kiện sẽ vẫn đứng vững mãi với thời gian.
       Theo đường hướng “khai phóng”, để theo kịp ý niệm toàn cầu hóa, để tiến bộ;  theo đường hướng “nhân bản” để biết sống trong tình người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, hay biên giới quốc gia v.v…;  và theo đường hướng dân tộc để mãi mãi nhớ đến nguồn gốc của hai tiếng Việt Nam thân yêu.]
 
    (Bài nầy trích từ quyển Tiếng Việt Đa Dạng, tác giả Ts. Nguyễn Hữu Phước, 2004.)
 

Inline image 7
 
Tiến sĩ Võ Kim Sơn và Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Phước (hình dưới) điều hợp thủ tục Vinh Danh.
 
 
 Inline image 6
 

****

Ông Lâm Văn Bé, cựu giáo sư, cựu hiệu trưởng Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, nguyên Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Định Tường VNCH, trong bài viết Đại Học Việt Nam: Lạc Hậu Và Yếu Kém” đăng trong Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long số 12, phát hành tháng 3 năm 2011 tại Little Saigon, miền Nam California.
 
Xin đọc qua đoạn trích để khẳng định nền giáo dục dưới sự chi phối của đảng CSVN khác hẳn nền giáo dục của nhân dân miền Nam Tự Do và từ đó không thể có ý niệm ‘Tôn Sư Trọng Đạo’ trong lòng giai cấp cai trị.
 
 
[… chế độ Cộng Sản hôm nay mang bản chất của một tổ chức mafia, trong đó quyền lực và quyền lợi cá nhân và bè đảng là cứu cánh, và sau nửa thế kỷ cầm quyền, hồng vẫn hơn chuyên.
………………….
Khoác lác là một bản chất khác của chế độ Cộng Sản mà dự án đào tạo 23.000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020), xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, một trường vào ‘top 200’ thế giới… là những dự án chứng tỏ sự khoác lác cùng cực của những nhà lãnh đạo giáo dục và ngoài giáo dục Cộng Sản.
………………….
Độc tài, ngu dốt, lừa dối và tham nhũng đã làm cho đất nước VN suy đồi mà giáo dục là căn bản của một dân tộc. Đảng Cộng Sản VN phải trả lời trước lịch sử trọng tội nầy.  ]
 
Hãy đọc những gì chân tình, chính đáng mà người đời viết về VNCH và những di sản của nó để rồi không phải ngồi đó thương tiếc cái gì không còn nữa. Sự thương tiếc những giá trị không những chỉ biết giữ trong lòng và cho những người biết quý trọng các giá trị đó đã bị mất dưới thời CSVN mà còn phải đấu tranh giành lại cho được những giá trị của di sản đó trong thân xác VNCH mà chế độ CSVN không có khả năng tiêu thụ hết được.
 
Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo là kết quả tốt đẹp  tất yếu của một trong những giềng mối giá trị trong những di sản vô giá mà VNCH đã cưu mang đến giờ phút cuối.
 
 Inline image 8

Cựu Đốc Sự Châu Văn Đễ, Trưởng BTC; người đứng bên mặt là Stage Manager Phạm Văn Tú.
 
*****

Ông Nguyễn Cao Can, cũng là người lính QLVNCH, viết tại Mùa Thu 2010, San Jose. Xin trích đoạn từ tác phẩm Kỷ Niệm Về Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Nhà Văn Hoá Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam do Văn Đàn Đồng Tâm chủ trương và Lê Văn Duyệt Foundation xuất bản năm 2010.
 
[…Từ những ngày đu phôi thai của chế độ Cộng Hoà, cuộc “Hội thảo Giáo dục toàn quốc” năm 1958 là cột mốc quan trọng đã vạch ra đường hướng Giáo dục cho Miền Nam: “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng“. Ba phương châm này đã làm nền tảng căn bản cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà. Kể từ đó, nền Giáo dục của Miền Nam Tự Do đã phát triển vô cùng nhanh chóng, mặc dù quốc gia phải đương đầu với những khó khăn của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Kết quả tốt đẹp đó sở dĩ có được là nhờ ở thành tâm, thiện chí với những nổ lực không ngừng của rất nhiều nhà giáo dục xuất sắc … ]
 
Inline image 9

MC. Võ Minh Phượng mà người cha đã hy sinh cho đất nước trong cuộc chiến giành Tự Do với CSVN là con yêu của Tổ Quốc Việt Nam. 
 
 
******
 
Inline image 17
 
Cựu giáo sư Nguyễn Lộc Thọ, người được mời trong danh sách Vinh Danh trong Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014, đang trình bày nhạc phẩm “Còn Thân Gió Cát”…
 
 
“Rất lấy làm vinh hạnh và vinh dự được góp phần vào việc giáo dục các Quốc Gia Nghĩa Tử, là những người con yêu của Tổ Quốc, đã có Cha, Mẹ “Vị Quốc Vong Thân” để bảo vệ chính nghĩa Tự Do, Dân Chủ cho miền Nam Việt Nam.”
 
Trên đây là tâm tình của cựu giáo sư Nguyễn Lộc Thọ, giáo sư trường Quốc Gia Nghĩa Tử của VNCH tại Saigon, một trong số 37 nhà giáo dục có nguồn gốc VNCH được BTC Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014 mời vinh danh trong buổi lễ vào Chủ Nhật 15 tháng 6 năm 2014 tại Little Saigon, miền Nam California. Những dòng cảm nghĩ của ông đã được đăng trong tập Lưu Niệm 2014 Ngày Tôn Sư Trọng Đạo, trang 18. Lời chân phương tuy ngắn ngủi nhưng đã nói thay cho những nhà giáo dục yêu chuộng Tự Do tại Việt Nam và có thể trên khắp thế giới vào thời điểm này mà toàn dân Việt Nam lên án những người cầm quyền CSVN Hà Nội “hèn với giặc ác với dân” và đang lén lút dâng cúng đất tổ cho tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh.
 
 
Lời tâm tình ấy gói ghém những ý nghĩa của tinh thần Nhân Bản, truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, tôn trọng sinh mạng con người và kính trọng Anh Hùng Tử Sĩ Vị Quốc Vong Thân. Nhất là ý thức bảo vệ Chính Nghĩa Tự Do, Thể Chế Dân Chủ cho miền Nam Việt Nam dưới chính thể VNCH. Đặc biệt nhà giáo Nguyễn Lộc Thọ đã nhắc đến Ngày Quân Lực VNCH năm 2014 đang được cộng đồng người Việt tỵ nạn gốc lính VNCH chuẩn bị tổ chức trong tuần lễ vào tối thứ Bảy, và ngày Chủ Nhật 21 và 22 tháng 6 này tại Tượng Đài Việt Mỹ ở Little Saigon, miền Nam California đã mang đến niềm vui trong lòng cho mọi người tham dự về điều quan tâm của ông.
 
 
Là con dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng Tư Do và tôn vinh lá quốc kỳ Vàng ba sọc đỏ, từ thuở học trò mài đũng quần từ những mái trường thân yêu của nền giáo dục Quốc Gia họ đã trưởng thành trong chiến tranh. Chính nhờ đường lối giáo dục tốt đẹp như thế, trai thanh gái tú thời bình mới có những trẻ “xếp bút nghiên theo việc đao cung” thời chiến; mới có những cấp chỉ huy tự hào về Trường Mẹ đội pháo Đỏ mà tiến lên diệt giặc. Chưa hết, mới có những nhà quản trị hành chánh, kế hoạch “kinh bang tế thế” của một nhà nước non trẻ bị cả khối Cộng sản vay đánh nhưng những người yêu chuộng Tự Do này đã đánh trả tận lực nhờ họ đã được dạy dỗ từ tấm bé qua những bài học Công Dân Giáo Dục của thể chế Dân Chủ của nhân dân miền Nam Tự Do qua hai nền Cộng Hoà sau cuộc di cư phân đôi đất nước và kết thúc trong trận Đại hồng thủy 1975. Chính nhờ sự dạy dỗ con trẻ về lòng yêu nước, sự trung thành với Tổ Quốc, bổn phận và trách nhiệm của người công dân ở thời bình và thời chiến mới có những con người hy sinh mạng sống của mình cho đại cuộc để cho người khác sống và tiếp tục chiến đấu, không cần xích chân vào trục cần lái hay nhồi nhét vào trí óc toàn những giáo điều lừa phỉnh.  Điều không thể che mắt được mọi người khi các binh đoàn CSBV của Văn Tiến Dũng tiến chầm chậm trên xa lộ Sàigòn – Biên Hoà có “pilot” địa phương dẫn đường vào “giải phóng” Saigon cũng không kìm chế nỗi ngỡ ngàng và vỡ mộng tại chỗ về cái người ta tuyên truyền là Mỹ Ngụy nghèo đói rách nát và tàn ác cho nên phải vội vàng chạy vào “giải phóng”? Hay là vô vơ vét về!? Một điều sỉ nhục rất lớn cho những ai cố đi theo và tiếp tay cho CSVN để đến nỗi đất nước Việt Nam như thế này. Ngày nào còn chế độ CSVN ngự trị trên đất nước Việt Nam thì lời nói để đời của cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” sẽ còn mãi.
 
 
Trở lại chương trình Tôn Sư Trọng Đạo, một BTC chọn lọc gồm Lê Văn Duyệt Foundation: Châu Văn Để, Trưởng BTC, Phạm Văn Tú, Cụ Bùi Văn Truyền… phối hợp với các nhà giáo dục kỳ cựu có nguồn gốc VNCH như cựu Gs. Nguyễn Trung Quân phát biểu keynote về ý nghĩa của lễ Vinh Danh Ngày Tôn Sư Trọng Đạo; tiến sĩ Võ Kim Sơn và tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước là hai chuyên gia giáo dục đảm trách công việc điều hợp thủ tục Vinh Danh. Tiến sĩ Trương Thị Liên, có nguồn gốc một Quốc Gia Nghĩa Tử, phát biểu cảm tưởng của một cựu học sinh; MC chương trình TSTD: Võ Thị Minh Phượng, một cựu học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử sẽ mãi là đứa con yêu của Tổ Quốc Việt Nam; phụ trách văn nghệ: Trần An Hảo và Hội CNS Trung Học Lê Văn Duyệt; MC chương trình văn nghệ: Trần Thuý Lan; phụ trách kỹ thuật nhạc đệm: Nguyễn Phú Hùng; phụ trách kỹ thuật âm thanh: Nguyễn Minh Phúc; phụ trách kỹ thuật ấn loát, hình ảnh, trình bày và tường trình: Vương Huê. Ngoài ra không quên ông bà Nguyễn Minh Trì – Quỳnh Hoa là những nhà hoạt động cộng đồng trong chương trình văn nghệ.
 
 Inline image 10

Các giáo sư được mời lên vinh danh…

 
Inline image 11
 
 
Inline image 12

Inline image 13
 
Tổng cộng 37 vị trong danh sách Giáo sư được mời vinh danh trong ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014.
 
Inline image 14
 
Tiến sĩ Trương Thị Liên, một Quốc Gia Nghĩa Tử VNCH, phát biểu với tư cách một học trò trong lễ Vinh Danh của Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014 mặc dù Dame Prof. Dr. Lien Truong đã từng dạy các Đại Học Cửu Long, Hoà Hảo, Phoenix, và đặc biệt đào tạo giáo chức trong chương trình Teaching Credentials tại CSU Long Beach, California. 
 
 
Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2014 nhằm tiếp tục chương trình vinh danh các nhà giáo dục có công phụng sự quốc gia dân tộc trên lãnh vực giáo dục trong nước trước 1975 và trong cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại xứ sở tạm dung Hoa Kỳ sau này. Đây là sự biểu hiện của lòng biết ơn qua sự vinh danh những giáo chức có công với nền Giáo dục Quốc Gia Việt Nam dưới thể chế dân chủ của Miền Nam tự do mà sự quản trị hệ thống giáo dục tân tiến với những nguyên tắc Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng đã tạo dựng cho xã hội Miền Nam có nề nếp, có áp dụng thành thục tính Nhân Bản, có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo mặc dù hai nền Cộng Hoà phải đương đầu với cuộc chiến khốc liệt chống lại khối Cộng Sản Nga, Tàu và Bắc Việt trong sự đau thương nghiệt ngã của cả dân tộc Việt Nam đáng lẽ phải được chung tay với thế giới của những con người hiểu biết và chung hưởng những thành tựu của loài người văn minh mà thế hệ tiên phong trong ý thức không quên kiến tạo cho Tổ Quốc Việt Nam yêu quý một xã hội mang tính Nhân Bản, đãi lọc và bồi đắp cho nền văn hoá đầy tính Dân Tộc, và chia sẻ cùng tiếp thu mang tính Khai Phóng những thành quả khoa học kỹ thuật của thế giới. Đó là lý do chính đáng tại sao người dân trong và ngoài nước chống CSVN và đòi hỏi ưu tiên trong đấu tranh dẹp bỏ chế độ này.
 
Inline image 15
Ngày vui chóng tàn… Trong hình lưu niệm của BTC thiếu Dr. Lien Truong, Trần An Hảo, Nguyễn Phú Hùng, trưởng lão Bùi Văn Truyền, và HTV.
 
Chưa hết, do từ chức năng của một giáo chức được hấp thụ từ nền giáo dục như thế, đã góp phần cho quốc gia dân tộc mình như thế, có những vị đã đóng góp đáng kể vào nền giáo dục và sự thịnh vượng của xứ sở tạm dung.
 
Hoàng Thuỵ Văn
 
Inline image 18
 
 
Xin mời xem hình ảnh tập trung tại trạm nối link sau đây. 
Xin cám ơn quý vị đã theo dõi và chuyển tiếp.
 
Vương Huê kính chuyển,
 
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

2 Responses to NGÀY TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NĂM 2014

  1. Pingback: Buổi Ra Mắt Sách “Sự Thật Đời Tôi” – GS Nguyễn Thanh Liêm | VTMP

  2. Pingback: Thương Tiếc Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm | VTMP

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s